Giới luật là do con người đặt ra để mọi người thi hành, giới giữ đúng thì xã hội mới được trật tự và an ninh. Thí dụ như luật giao thông : đèn đỏ thì phải dừng lại nơi lằn ranh đã chỉ định, dù phía trước có xe qua lại hay không. Đèn xanh thì chạy. Không được lưu thông ngược chiều khi có bản cấm ghi đường một chiều, đường hẹp cấm qua mặt..v.v...đó là vài thí dụ nhằm để tránh gây ra tai nạn có thể đưa đến tử vong.
Luật viết ra là để cho những ai học thi để có bằng lái xe, khi có bằng lái rồi thì sách luật giao thông cũng không cần mang theo bên mình. Đó là giới của thế gian dành cho tài xế.
Trong 8 giới cho người phật tử tu tại gia là : không xem hát sướng, đàn ca...vậy xin hỏi: đàn ca, hát sướng có tội lỗi gì mà cần phải cấm ?
Tất cả phim ảnh, kịch tuồng, thi ca hay bài nhạc đều là những thứ diển tả, kể lại chuyện đau buồn trong qúa khứ, chuyện vui khi nghe kể lại thì ít để tâm, còn chuyện buồn thì lòng lúc nào cũng nặng trĩu, đôi khi xem, nghe mà rơi cả nước mắt...Qúa khứ là thuộc về dĩ vãng chuyện đã qua rồi, thời gian không thể kéo lại được. Phim ảnh, kịch tuồng là màn dựng lại thời gian vào thời điểm, nó hoàn toàn không đúng sự thật chỉ là những thứ thêu dệt: thêm nhiều hoa cành và lá để thấy có đầy đủ yếu tố hơn. Chuyện hôm qua nghe xong hôm nay lập lại còn không đúng thì chuyện sử liệu miệt mài xa xưa lấy gì để chứng minh ? cho nên đó chỉ là những tưởng tượng, mà tưởng tức không thật cho nên người tu thiền mà còn trụ dính vào qúa khứ thì khó mà giải thoát được. Do vậy mà giới cấm được đặt ra là để người tu giữ được giới thì tâm an nên có hỹ lạc, có hỹ lạc thì lòng mới thanh tịnh và nhập định dể dàng. Có định mới được huệ, nhờ huệ mà ly được sắc trần, dứt tội lỗi. Không tội lỗi thì được giải thoát đồng nghĩa với Niết Bàn.
Trong đạo Phật, giới chính là đức hạnh ví như phao giúp người qua sông nên phải biết công dụng và lợi ích của nó, nếu người tu chỉ lo tụng giới thôi thì không có nghĩa là thành Phật sớm, nhưng với bậc giác ngộ thì chắc rằng giới không cần tụng mà lỗi cũng không hề phạm phải.
Trong kinh Tăng Chi Bộ đức Phật có dạy: " hãy tự mình đốt đuốc lên mà đi ". Có nghĩa là :
Đừng bắt chước các việc làm y như đức Phật, vì bắt chước chỉ là việc sao chép lại bản thảo của người khác, nó không có tính sáng tạo hay phát minh ra những cái mới lạ từ trí tuệ nơi bản thân mình nên sự giác ngộ sẽ không thành. Giống như khi xưa vào thời kỳ đức Phật tu khổ hạnh, ngài đã từng ăn phân bò, chẵng lẽ vì thế mà sau nầy tất cả đệ tử Phật đều phải ăn phân bò hết hay sao ? Giác ngộ chẵng qua chỉ là sự nhận thức về chân lý rồi sống riêng theo cách của mình, không ai giống ai, nó mang tính cá nhân nhưng mục tiêu là đánh thức đoàn thể để đều có được lợi lạc và giải thoát giống như mình. Trạng thái giác ngộ là nghệ thuật như sự nở hoa. Con người giống như một cây có gốc, gốc tốt thì thân cây cứng và mạnh nên việc nở hoa là " việc sẽ thành ". Hoa thì có hương vị riêng của nó, đừng bắt nó phải theo thị hiếu của số đông để mua cúng dường chư Phật, vì dù hoa đó đẹp có giá trị đến mức độ nào thì vài hôm sau cũng biến thành rác. Hoa của bậc giác ngộ nở được là nhờ có đủ chất thiền định dinh dưỡng: giới, định, tuệ nên hoa đó nở ra là để cúng dường cho vị Phật trong tâm của chính mình, mùi hương sẽ nương theo gió mà lan tỏa, nó không có phân biệt dù chỉ ở một mình trong rừng sâu... Nơi đó nó sẽ đau khổ hoặc không ai tán thán nó ư ? Thưa không ! nó vẫn vui vẽ tiếp tục nở hoa dù có ai đó đi ngang qua nó hay không. Hương của nó sẽ trở thành tiếng đàn lời ca thay cho tiếng pháp để chào đón niềm hạnh phúc và an lạc đến với mọi người.
Phúc lạc là tự do, là lời ca tiếng nhạc phát xuất từ bên trong, dù một mình cứ vẫn hát mà không cần có người bên cạnh để nghe. Người nghe sẽ có phúc lợi dù nhiều hay ít, người không thích nghe, xem ra đã mất cơ hội...ví như: dòng sông chảy không theo yêu cầu của ai, dù có ai đó hay không nó vẫn chảy, nó chảy không phải vì do ai khát hay ruộng vườn khô lâu ngày cần tưới nước, nhưng ai muốn làm dịu cơn khát hoặc cần cho nhu cầu riêng thì hãy đến đó. Dòng sông không tự chảy vì ai, nó chỉ chảy thôi.
Tiếng đàn lời ca như dòng sông đang tuôn chảy, ai cũng có quyền dự phần để tận hưởng. Dòng sông chính là sự hiện hữu của vị thầy qua tiếng đàn và lời ca. Phim ảnh, kịch tuồng, hát sướng là tấm bản đồ giả của nhân gian chỉ mình đi tìm về quá khứ, điều nầy là vô ích. Thiền thơ, thi ca, đàn hát của thầy không phải là bản đồ chỉ chổ đến mà là hướng dẩn cho những ai cần để trở về nhà vì lưu lạc quá lâu xa. Người về đến nhà thì bản đồ không cần nữa, là người được tự do như mây bay trên bầu trời.
Có ai thấy bản cấm về luật giao thông trên bầu trời không ?
Tóm lại: giới luật là điều cấm, đặt ra là nhằm mục đích chung để giới hạn về hành động và việc làm không đúng theo đạo lý, người phạm pháp thì phạt tội, kẽ giết người thì đền mạng và phải thi hành ngay kiếp nầy, nặng nhẹ tùy theo pháp mà thi hành cho nên thế gian gọi là : nhân nào qủa nấy.
Nói đến luật là nằm trong thuyết tương đối, luật do người đặt ra và có thể sửa đổi theo hoàn cảnh, nên mỗi quốc gia luật lệ xử phạt đều khác nhau. Về giới cấm cho người tu sĩ là nhằm giúp giữ thân, khẩu, ý không phạm lỗi, người không có lỗi thì đi đâu, ở đâu tâm cũng đều an lạc. Tiếng đàn, thi ca của thầy là thay cho tiếng pháp, nó không nói về qúa khứ hoặc tương lai mà chỉ rõ ngay bây giờ và ở đây. " Ở đây " nghĩa là hiện tại mà hiện tại là cái chân lý của vũ trụ vốn vĩ xưa nay vẫn vậy nó không do con người đặt ra nên không một ai có quyền thay đổi nó. Bậc thầy đã giác ngộ thì phiền não vô minh không còn, tâm đã an, lý đã đắc, thân khẩu ý đều không lỗi có nghĩa là đã vượt ra ngoài giới luật, cho nên lục tổ Huệ-Năng là người giác ngộ ngài có nói: " tâm bình hà lao trì giới " là vậy.
Tuệquang
No comments:
Post a Comment